Tham gia TPP: Cần cuộc cách mạng công nghiệp phụ trợ?
Theo các chuyên gia, việc tham gia TPP sẽ tạo ra “lực đẩy” rất lớn, nhưng áp lực cũng không nhỏ cho VN khi ngành công nghiệp hỗ trợ chưa phát triển. Vậy, cần có những chính sách gì để định hướng và hỗ trợ DN phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ?
Quy hoạch và lộ trình
Khi Hiệp định TPP được thông qua, DN trong nước sẽ có cơ hội nhập khẩu nguồn nguyên liệu phong phú với giá rẻ hơn, nguồn thiết bị, máy móc chất lượng tốt hơn. Nhưng cùng với đó là thách thức khi DN phải đối mặt với đối thủ mạnh hơn về vốn, công nghệ, trình độ quản lý và kinh nghiệm trên cả lĩnh vực sản xuất và kinh doanh. Trong khi đó, ngành công nghiệp phụ trợ của VN còn rất hạn chế và phần lớn là các DN quy mô nhỏ. Đặc biệt là các DN hoạt động trong lĩnh vực giày gia, may mặc vốn đóng góp một tỉ trọng lớn trong xuất khẩu của VN.
Để tận dụng triệt để những ưu thế mà TPP mang lại, cần cuộc cách mạng về công nghiệp phụ trợ. Ngoài nỗ lực của các DN, vai trò của nhà nước đóng vai trò then chốt. Đặc biệt là việc hoạch định và thực thi các chính sách.
Thứ nhất là vấn đề quy hoạch phát triển công nghiệp phụ trợ, mặc dù Thủ tướng đã có Quyết định số 12/2011/QĐ-TTg ngày 24/02/2011 về chính sách phát triển một số ngành công nghiệp phụ trợ nhưng triển khai chậm. Cần phải có quy hoạch cụ thể và đưa ra lộ trình thưc hiện.
Thứ hai là có những chính sách hơp lý về vốn bởi phần lớn DN công nghiệp phụ trợ của VN đều hạn chế về vốn, quy mô nhỏ nhưng lại khó khăn trong việc tiếp cận các nguồn vốn.
Thứ ba là cần có chính sách thúc đẩy các DN hỗ trợ đổi mới, cải tiến về công nghệ, cơ sở vật chất để đảm bảo năng suất, chất lượng đáp ứng nhu cầu của khách hàng cũng như tăng cường khả năng tạo giá trị gia tăng, và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, chuyển dần từ hoạt động gia công sang sáng tạo đặc biệt là trong lĩnh vực điện tử, cơ khí, dệt may, da giầy.
Thứ tư là phải có quy hoạch, phát triển nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển của từng ngành công nghiệp phụ trợ trong tương lai theo hướng nâng cao chất lượng và chuyên môn hóa.
DN phụ trợ phải đi trước
Hiện nay, về công nghiệp phụ trợ, Đà Nẵng gần như là con số không mặc dù trong thời gian qua, thành phố – về mặt chủ trương nói rất nhiều về phát triển ngành này nhưng về mặt chiến lược thì chưa rõ ràng. Tuy nhiên, nói như thế không có nghĩa là Đà Nẵng không có công nghiệp phụ trợ mà ngành này chỉ phát triển mang tính tự phát, theo nhu cầu của xã hội các DN sản xuất. Tôi lấy ví dụ, với ngành công nghiệp ô tô, khi Cty TNHH TCIE Việt Nam khai trương Nhà máy sản xuất và lắp ráp ô tô tại Đà Nẵng thì tại đây đã có một số ngành công nghiệp phụ trợ cho sản xuất ô tô như Mabuchi Motor Đà Nẵng sản xuất motor ứng dụng trong lĩnh vực ô tô, Foster Đà Nẵng sản xuất loaô tô ô tô, Cty TNHH Yonezawa Việt Nam sản xuất bộ truyền dẫn điện trong ôtô, Cty Tokai Kogyo sản xuất linh kiện… Ở đây, DN phụ trợ đi trước.
Chúng ta thường hay nói tìm một tập đoàn lớn vào đầu tư vào thì khi đó sẽ kéo theo ngành công nghiệp hỗ trợ phát triển nhưng thực chất việc này rất khó. Vì không có tập đoàn lớn nào đầu tư theo kiểu “phiêu lưu” như vậy.
Do đó, theo tôi, để có thể phát triển ngành công nghiệp phụ trợ một cách căn cơ và bài bản, chúng ta cần có một khảo sát, đánh giá thực chất về các DN. Cụ thể, với Đà Nẵng, cần phải tìm hiểu xem các DN FDI hoạt động như thế nào? Nguyên liệu sản xuất của họ đến từ đâu? Họ đang gặp những khó khăn gì? Đối với các DN trong nước, cũng cần tìm hiểu xem các DN đang sản xuất những sản phẩm gì? Chất lượng đến đâu? Có đáp ứng được yêu cầu của các DN FDI hay không? Từ khảo sát cung và cầu của cộng đồng DN, chúng ta mới có các chiến lược và bước đi cụ thể như cần hỗ trợ những ngành nào, hỗ trợ ra sao…
Chính sách chưa “chạm” vào DN
Hiện nay, khả năng đáp ứng linh phụ kiện của DN VN cho các DN sản xuất trong và ngoài nước mới đạt 15-25%. Vì vậy, phải phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu, khiến sản xuất nhiều khi còn bị động, chi phí sản xuất cao, nhất là các ngành như: Dệt may, da giày, cơ khí chế tạo, máy nông nghiệp, công nghiệp sản xuất ôtô…
Bên cạnh đó, cho dù đã có các văn bản, quyết định chỉ đạo điều hành quan trọng như: Quyết định số 34/2007/QĐ-BCN năm 2007 của Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công Thương) phê duyệt Quy hoạch phát triển công nghiệp hỗ trợ đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2020; Quyết định về chính sách phát triển một số ngành CNHT số 12/2011/QĐ-TTg do Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 22/2/2011; Quyết định số 1556/QĐ-TTg ngày 17/10/2012 về việc phê duyệt Đề án “Trợ giúp phát triển DN nhỏ và vừa trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ”. Tuy nhiên, tôi cho rằng, các chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợhiện nay dường như vẫn chưa “chạm”, tác động nhiều đến các DN sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ. Do đó, Nhà nước cần phải đưa ra những chính sách ưu đãi cao hơn, đủ sức hấp dẫn, tạo thuận lợi hơn nữa cho các nhà đầu tư (cả trong và ngoài nước) để phát triển ngànhcông nghiệp hỗ trợ. Ngoài ra, cần có các quy hoạch phát triển công nghiệp hỗ trợ theo các vùng trọng điểm, có tiềm năng, khả năng sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ. Chẳng hạn 3 khu vực: Hà Nội; TP HCM và TP Đà Nẵng… Từ đó có thể lan tỏa ra các vùng khác. Riêng với Hà Nội cần tập trung ưu tiên phát triển các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ của các ngành công nghiệp mà Hà Nội đã có thế mạnh như: điện, điện tử, cơ khí chế tạo, máy nông nghiệp, công nghiệp sản xuất ô tô, máy công trình… thì mới xứng với tiềm năng, lợi thế.
4 trụ cột phát triển công nghiệp phụ trợ
Nhật Bản là nước có nền kinh tế và công nghiệp phát triển như ngày nay, đó là thành quả của những chính sách vĩ mô đúng đắn, đặc biệt trong định hướng phát triển công nghiệp phụ trợ. Hiện ở Nhật Bản có nhiều Cty tầm cỡ thế giới, nhưng chỉ chiếm 1% tổng số DN trong nước và công việc chủ yếu của những Cty này vẫn là lắp ráp– sản xuất ở khâu cuối cùng, còn 90% DN cấp thấp sản xuất các linh kiện. Từ trước thế chiến thứ II, Chính phủ Nhật Bản đã có nhiều chính sách hỗ trợ DNNVV, chẳng hạn từ năm 1936, Nhật Bản đã có Quỹ Tài chính đầu tư vốn giúp DNNVV có thể vay vốn chỉ trong 3 ngày. Chính phủ Nhật Bản hỗ trợ DN về công nghệ, hiện Nhật Bản có tới 110 trung tâm hỗ trợ máy móc thiết bị công nghệ mới. Thêm vào đó, Chính phủ Nhật Bản đã xây dựng 47 Trung tâm Hỗ trợ Công nghệ, các địa phương của Nhật Bản đều có cơ sở dữ liệu riêng với sự tham gia của chính quyền, DN, nhà nghiên cứu. Các cơ sở này có chất lượng cao, cung cấp thông tin chi tiết về các nhà cung cấp và rất dễ tiếp cận.
VN có tiềm năng rất lớn để phát triển công nghiệp phụ trợ. Tuy nhiên, để phát triển công nghiệp phụ trợ thành công, điều kiện tiên quyết là VN cần lộ trình cụ thể để phát triển 4 yếu tố quan trọng là: Nguồn nhân lực, công nghệ, tài chính và đầu ra cho sản phẩm.
Ví dụ, đối với vấn đề vốn, VN có thể sử dụng nguồn vốn vay ưu đãi để xây dựng một quỹ tài chính đảm bảo cho việc phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ đã được Chính phủ chỉ định. Hiện nay, JICA đang xây dựng Chương trình tín dụng 2 bước để giúp các DNNVV VN giải quyết bài toán khó về vốn và nguồn vốn. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục hợp tác với các đối tác VN để thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp phụ trợ ở VN.
(trích nguồn: DĐDN)
Bài viết liên quan