Hợp tác Việt–Nhật để phát triển công nghiệp phụ trợ: Cơ hội DN khai thông “điểm nghẽn”

Theo các chuyên gia, chủ trương, chiến lược đã quá rõ ràng, “không ôm đồm” quá nhiều, chỉ tập trung ưu tiên 6 ngành dựa trên những tiêu chí cụ thể, điều quan trọng là hành động của các Bộ, ngành, đặc biệt là các DN để tận dụng cơ hội thế mạnh công nghiệp của Nhật Bản “tạo đà” phát triển công nghiệp VN cho phù hợp …

cong-nghiep-phu-tro_1
Ở lĩnh vực điện tử, hiện nay các DN điện tử nội địa chủ yếu lắp ráp một số sản phẩm đơn giản và gần như nhập khẩu toàn bộ linh kiện

Cơ hội tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu

Theo các chuyên gia, 6 ngành được lựa chọn đều là những ngành có số lượng DN khá lớn, đóng góp đáng kể vào nền kinh tế. Tuy nhiên, điều đáng nói là hiện nay các DN vẫn chưa phát huy được hết thế mạnh, chủ yếu vẫn chỉ làm ở dạng thô hoặc gia công nên tỉ suất lợi nhuận chưa cao. Chẳng hạn ở lĩnh vực điện tử, hiện nay các DN điện tử nội địa chủ yếu lắp ráp một số sản phẩm đơn giản và gần như nhập khẩu toàn bộ linh kiện. Ngành công nghiệp phụ trợ sản xuất phụ tùng linh kiện để cung cấp cho công nghiệp điện tử trong nước không đáp ứng được yêu cầu sản xuất. Trong khi đó, nhiều sản phẩm điện tử nhập khẩu nguyên chiếc có giá rẻ hơn hàng lắp ráp trong nước. Do sức cạnh tranh yếu nên các DN điện tử VN có số lượng sản phẩm không nhiều, lợi nhuận thấp, thậm chí thua lỗ, nên khả năng đầu tư công nghệ mới bị hạn chế.

Với thực tế như vậy, các chuyên gia cho rằng, việc Nhật Bản hỗ trợ VN phát triển ngành công nghiệp phụ trợ nói chung, điện tử nói riêng chắc chắn sẽ là một cơ hội để các DN VN có thể phát triển. Chẳng hạn, trong giai đoạn tới, ngoài việc sản xuất hoàn chỉnh một số loại sản phẩm như tủ lạnh, điều hòa, máy giặt…, các DN điện tử VN nên phát triển theo hướng cố gắng tham gia ở mức cao nhất vào chuỗi cung ứng của các DN Nhật đã có thương hiệu và thị trường toàn cầu để nâng cao trình độ sản xuất và làm chủ công nghệ. Khi tham gia vào chuỗi cung ứng của các tập đoàn lớn, trong điều kiện giá nhân công không còn là lợi thế cạnh tranh, cần tận dụng giá nguyên liệu đầu vào rẻ để giảm giá thành, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm.

Ở góc độ cơ quan quản lý, ông Trương Thanh Hoài – Phó Vụ trưởng – Vụ Công nghiệp nặng, Bộ Công Thương cho rằng, để tận dụng cơ hội phát triển công nghiệp điện tử, các DN cần phải triển khai một số giải pháp, chẳng hạn phát triển công nghệ vật liệu, luyện kim, cao su, hóa chất, nhựa và công nghệ gia công. Đặc biệt, cần phát huy vai trò của các Hiệp hội trong việc liên kết giữa nhà sản xuất chính với các nhà thầu phụ, giữa các nhà thầu phụ với nhau, giữa các DN FDI với các DN nội địa.

Cùng quan điểm, ông Thân Dĩ Ngữ – Giám đốc Cty TNHH Ecolink đưa ra ví dụ ở ngành chế biến nông sản, thực phẩm, ông Dĩ cho rằng hiện nay cơ sở hạ tầng của ngành này đang thiếu hụt, chưa đầy đủ và thiếu đồng bộ. Trong đó, nguồn cung năng lượng, đường giao thông, hạ tầng xử lý chất thải chưa đáp ứng yêu cầu của các DN chế biến thực phẩm, thiếu công nghiệp phụ trợ, thiếu kỹ năng mềm. Do vậy, các DN cần tận dụng cơ hội này để để phát triển, chuyển sang sản phẩm có hàm lượng công nghệ, sáng tạo, khác biệt và có giá trị hàm lượng gia tăng cao. Liên kết dọc chuỗi (thiết lập chuỗi liên kết với nông dân), liên kết ngang (cùng nhau đầu tư và khai thác công nghệ)…

Đầu ra cho công nghiệp phụ trợ

Tuy nhiên, theo ông Đinh Mạnh Hùng, Phó giám đốc Trung tâm hỗ trợ DNNVV (VCCI) bên cạnh những cơ sở hạ tầng, nguồn nguyên liệu, sản phẩm, công nghệ… thì một trong những “điểm nghẽn” khác của các DN trong 6 ngành công nghiệp trên hiện nay chính là đầu ra. Bởi cho dù chiến lược có khả thi đến đâu nếu không có thị trường thì khó lòng thuyết phục DN làm.

“Việc tiếp cận căn bản nhất của chiến lược phải là nghiên cứu thị trường, đây chính là “chìa khóa” thành công của chiến lược này trong tương lai” – ông Hùng quả quyết. Ví dụ, trong lĩnh vực điện tử, khi phát triển ngành này cần nghiên cứu xem năng lực hợp tác của các DN điện tử VN và Nhật Bản hiện đang ở đâu? Vai trò của sản xuất máy in trong ngành công nghiệp điện tử khá lớn, nhưng hiện nay chủ yếu là lắp ráp, vậy phải làm thể nào để tăng giá trị gia tăng, cần phải làm thế nào để đưa các DN công nghiệp hỗ trợ của Nhật Bản vào VN

Theo ông Hùng, những điều này các DN VN có thể học kinh nghiệm của Nhật Bản. Những tổ chức như Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), JETRO đến VN và nghiên cứu rất kỹ lưỡng. Họ đến tận địa phương để xác định làm công nghiệp hỗ trợ thì xây dựng ở đâu… Thí dụ, trước khi các DN Nhật Bản đầu tư vào hai khu công nghiệp ở Hải Dương và Đồng Nai, các tổ chức XTTM của nước này đã tìm hiểu và đưa ra những lời khuyên DN Nhật Bản và VN hợp tác để thành lập các khu sán xuất công nghiệp hỗ trợ. Sau đó, một Cty Nhật có ý định xây dựng khu công nghiệp Đại An thành khu công nghiệp hỗ trợ để lôi kéo các nhà đầu tư  lĩnh vực này của Nhật vào VN, hướng tới cung cấp phụ tùng choc ác DN Nhật Bản đang lắp ráp máy in ở VN. Để thực hiện mục tiêu trong khu công nghiệp đó có 150 DN Nhật Bản sẽ đầu tư, người ta đã gửi 4.500 câu hỏi tới bốn TP của Nhật có thế mạnh về ngành này. Nội dung chính là hỏi các DN nếu sang VN thì cần gì, có khó khăn gì. “Điều đó cho thấy Nhật Bản làm nghiên cứu thị trường rất căn bản” – ông Hùng quả quyết.

Trong khi đó, ông Ichikawa – Trưởng nhóm nghiên cứu công nghiệp hỗ trợ VN tại Nhật Bản, đối với các nhà đầu tư Nhật Bản, thách thức lớn nhất hiện nay đối với họ chính là công nghiệp hỗ trợ. Theo vị chuyên gia này, lợi ích của công nghiệp hỗ trợ là mang lại giá trị gia tăng cao. Song ở VN, dù là nước có nhiều điểm mạnh về XK, nhưng nền công nghiệp hỗ trợ lại phát triển chậm, do đó lợi nhuận thu về không tương xứng.“Dường như các DN VN vẫn chưa tận dụng được thế mạnh này”, ông Ichikawa khẳng định.

Và nâng tỷ lệ nội địa hóa

Ông Phạm Chí Trung, hội tự động hóa Hà Nội nhận định, nền công nghiệp VN đang rất cần nguồn công nghiệp phụ trợ lõi như của Nhật Bản, DNVN nên tận dụng thế mạnh này của Nhật, để tăng tỉ lệ nội địa hóa. Bởi nếu chỉ trông chờ vào vốn đầu tư hay vốn ODA của Nhật thì sẽ chỉ là nới XK hộ và sẽ phải trả giá rất đắt. Ví dụ, sản xuất điện tử của hãng Samsung tại VN, mục tiêu tỉ lệ nội địa hóa là 40% nhưng hiện nay mới chỉ đạt được 20%, chủ yếu là sản xuất bao da. “Vì vậy, cần phải đặt ra chiến lược nội địa hóa hết sức cụ thể thì mới thành công” Ông Trung nói.

Đồng tình với quan điểm của ông Trung, ông Đinh Xuân Bá ví dụ thêm về tỉ lệ nội địa hóa của ngành may mặc cũng chỉ được hơn 10%, theo ông tiếng là XK hơn 10 tỉ USD nhưng thực ra chỉ lãi được hơn 1 tỉ. Ông Bá ví von: “VN không chỉ may áo mà may cả ôtô, tàu…”.

Những lo ngại của các chuyên gia, DN về việc các DN sẽ tận dụng cơ hội trong chiến lược hợp tác công nghiệp VN – Nhật Bản không phải là không có lý, ngay bản thân phía Nhật cũng lo ngại kế hoạch hành động đang vướng vào một số khó khăn, như nguồn lực hạn chế, các biện pháp toàn diện thực hiện chính sách công nghiệp chưa rõ… Nhưng nếu nhìn vào thực tế thì cả 6 ngành này vừa là ưu tiên phát triển của VN, song cũng chính là các lĩnh vực mà DN Nhật Bản đang muốn đẩy mạnh đầu tư vào VN, trong đó đã có những tên tuổi hàng đầu của Nhật đang đầu tư vào VN như: Acecook, Kyoei Food, Honda, Toyota… Thì có thể thấy rất rõ cơ hội cho cả DN VN và Nhật Bản còn rất lớn, đặc biệt với các DN VN nếu biết tận dụng chắc chắn sẽ mang lại thành công và chắc chắn sẽ là không khó để thu hút thêm những tên tuổi khác đầu tư vào VN nếu ngay từ đầu thực hiện, các Bộ, ngành DN khai thông được những “điểm nghẽn” trên.

(trích nguồn: dddn.com.vn)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *